Không có ngọn heo may nào,ắtchiumùathu sergio ramos ngoài những giọt mồ hôi lăn dài trên trán. Chỉ là những ngọn gió bâng quơ...
Người cao nguyên thì bỏ quên cái dịu mát mà tìm về phố thị đông đúc của Sài Gòn. Người miền biển cũng lãng quên tiếng sóng ru êm mà lao vào những con đường khói xe bụi mờ nơi này. Người ở quê thì chẳng màng đến những cánh đồng xanh mát, mong mỏi được lên thành phố rồi ra công viên ngồi phe phẩy cái quạt. Tất cả ở trong cái vòng xoay không thể dừng…
Cái nghịch lý ấy trở thành bình thường để giờ đây, tôi phải chắt chiu từng chiếc lá vàng mùa thu Sài Gòn, hóng từng ngọn gió bâng quơ mà cứ tưởng là heo may. Thành phố này có mùa thu đấy chứ! Nhưng phải chắt chiu lắm, phải nhạy cảm lắm với trí tưởng tượng bay bổng lắm thì mới thấy được mùa thu. Đôi khi nhờ vậy mà tâm hồn ta nhạy cảm hơn, con tim ta yêu thiên nhiên hơn là mùa thu thừa mứa xôm xốp lá vàng dưới gót chân, mà những con mắt thì cắm vào smartphone, mặc kệ ngoài kia đám lá vàng bị giẫm đạp hờ hững.
Đôi khi tôi chợt nghĩ, chúng ta đã rời bỏ những miền xinh đẹp ấy mà quy tụ về cái vòng xoay này, ai cũng có một lý do chính đáng. Người vẽ tranh, kẻ viết nhạc, người làm thơ rồi cũng chỉ để nhớ nhung về những miền xinh đẹp ấy. Những dòng người miên man bất tận sáng tối đi về ngoài kia, tôi dám chắc cũng từ những miền xa ấy mà theo dòng chảy về đây. Và khi đôi chân mệt mỏi quá, cái vòng xoay khiến ta chóng mặt quá, con tim không còn đủ nhạy cảm nữa, liều thuốc phải mạnh hơn, tên bài hát phải shock hơn, concept phải phi thực hơn…
Nhưng liều thuốc mạnh hơn không thể làm cho những tâm hồn rung cảm trở lại, mà càng làm cho âm nhạc thừa mứa hơn, xã hội lại càng lờn cảm xúc, khiến cho nghệ sĩ chạy đôn chạy đáo như những kẻ sơn đông mãi võ. Người nghe thích sự lãng mạn và yêu thương, nhưng tâm hồn thì không còn nhạy cảm nữa với cái đẹp và tình yêu, vì thuốc đã lờn, vì cuộc sống quay cuồng. Như hai đường thẳng song song chẳng bao giờ gặp nhau. Như vú em đút món cháo thập cẩm mà đứa trẻ nuốt cho xong. Mà "món cháo" ấy thì nghệ sĩ phải xoắn não với biết bao sự toan tính. Chứ chẳng có chút hồn nhiên nào cả.
Ngang qua Tao Đàn chiều hôm qua, vẫn là những chiếc lá vàng ít ỏi của mùa thu Sài Gòn, tôi nghe từ chiếc loa bluetooth của một bà lão, bài hát của Phú Quang vang lên giữa mùa thu chắt chiu của thành phố này, nó làm tôi xúc động. Không có heo may, nhưng tôi cảm thấy heo may trong lòng. Không nhiều lá vàng, nhưng tôi thấy lá vàng qua mái tóc bà lão.
Tôi biết mùa thu sắp đi qua, vì sáng nay thức dậy, vạt nắng sắp loang tới chiếc đàn piano rồi. Sự chắt chiu lại càng chắt chiu hơn. Âm nhạc và nghệ thuật, xét cho cùng, càng chắt chiu càng quý. Như tôi quý từng chiếc lá vàng mùa thu Sài Gòn vậy. Âm nhạc, dù là nghệ sĩ hay người thưởng lãm, đều từ tâm hồn. Nếu tâm hồn này mở ra mà tâm hồn kia đóng lại thì ngọn heo may biết đi về đâu.
Vẫn còn những chiếc lá vàng hiếm hoi, mùa thu Sài Gòn không ồn ã, không thừa mứa, chỉ khiêm nhường với chiếc loa bluetooth nhỏ của bà lão như mang cả mùa thu cùng ngọn heo may về với ta. Ta đứng đó, chắt chiu từng chiếc lá vàng cuối cùng của mùa thu nơi đây.